top of page

HƯ HƯ LỤC

Thích Nữ Như Thủy 
Thiền viện VIÊN CHIẾU 6-8 Nhâm Tuất, 1982

 Hư Hư Lục  Phần 5 


  1- Thằng Bạn Bất Lương 
  2- Một Cách Trả Thù 
  3- Thuốc Thành Bệnh 
  4- Bắt Chước Thầy 
  5- Một Bông Hồng Cho Em 
  6- Ba Bà Hoàng Hậu 
  7- Làm Sao Đây 
  8- Ba Cái Bánh Ít 
  9- Kỹ Thuật Nhà Nghề 
10- Đông Thi Nhăn Mặt 
11- Ăn Trộm Dạy Con 
12- Quyển Kinh Đi Lạc 
13- Người Hướng Đạo 
14- Khi Người Về 
15- Chỉ Một Giới Thôi 
16-  Dasaka 
17- Bảng Chỉ Đường 
18- Bát Cháo Lú 
19- Hai Thằng Đệ Tử 
20- Ô Sào Thiền Sư 

   1- Thằng Bạn Bất Lương 
Ngày xửa ngày xưa, có một anh chàng nọ mặt mũi cũng dễ coi nhưng phải cái hơi ngu, chúng ta gọi anh là Tâm cho tiện. 

Một hôm Tâm kết bạn với Ý là một tên du thủ du thực, đa mưu túc trí, chuyên nghề lường gạt chôm chỉa mà sống. Thấy Tâm chất phác dễ tin, Ý bèn dỗ ngọt dẫn Tâm đến một chốn xa xôi hẻo lánh chăn dê cho người để lấy tiền lập nghiệp. Tên bất lương lấy trước sáu tháng tiền công của bạn rồi ra đi với hứa hẹn là sẽ tìm nơi tậu nhà cửa ruộng vườn cho Tâm. 

Sáu tháng sau, Ý đến vui vẻ báo tin:

- Chú Ba à! Số chú thật là may mắn. Món tiền hôm trước chú đưa cho anh chả thấm vào đâu… anh phải bù đắp thêm gấp bội và đã tậu cho chú đầy đủ cả nhà cửa ruộng vườn khang trang lắm! Anh những ước mong sao chú được trở về đó để anh lo bề gia thất cho chú xong xuôi thì có chết anh cũng cam lòng… ngặt vì tiền cưới xin hơi đắt. Vậy chú hãy cố gắng làm công thêm một năm nữa nhé. 

Chàng Tâm cảm động trước lòng lo lắng của ông anh kết nghĩa nên “y giáo phụng hành.” Và tên bất lương lại cuỗm thêm một năm tiền công nữa… rồi ra đi. 

Một năm sau, Ý lại trở về báo tin là đã lo cưới hỏi xong xuôi cho bạn. Cô vợ đảm đang hiện ở trong ngôi nhà mới mua dạo trước và hết lòng chăm sóc tài sản cho đấng phu quân. 

Từ dạo đó, chàng Ý thường lai vãng đến trại dê để báo tin nhà và thúc hối Tâm lo tiền thang thuốc cho vợ, hiếu hỷ cho ông nhạc, quà biếu bà mẹ vợ, đồ chơi cho lũ em vợ v.v… 

Vài năm sau, Tâm lại phải làm thêm ca đêm để có tiền gởi cho ông anh kết nghĩa chăm sóc dưỡng nuôi giùm bầy con đông đúc cả gái lẫn trai. 

Đàn con tưởng tượng mỗi ngày một gia tăng, bổn phận làm cha làm chồng càng ngày càng nặng, rút dần mòn sức khoẻ chàng trai khờ dại. 

Một hôm biết mình sắp kiệt sức, Tâm ngỏ lời với bạn rằng chàng muốn về nương cậy vợ con trong lúc tuổi già sức yếu, thì Ý liền sa sầm nét mặt, giọt ngắn giọt dài, báo hung tin: 

- Chú ơi! Biết nói sao bây giờ đêm qua một cơn hỏa hoạn đã thiêu rụi cả nhà cửa ruộng vường lẫn vợ con chú cả rồi… cuộc đời quả thật là vô thường. Anh không biết làm gì hơn là cùng chia sẻ những cái tang đau đơn này với chú vậy! 

Em thân mến!

Câu chuyện được ngừng lại nơi đây, vì khó mà tin nổi rằng trên đời này lại có một người khờ dại như chàng Tâm. 

Nhưng… phần chúng ta, có lầm chăng khi chấp nhận những vọng tưởng điên đảo chợt có chợt không là bản tâm của mình? Dưới sự dẫn dắt của cái tâm này chúng ta có đầy đủ quê hương cha mẹ họ hàngthân quyến. Và nếu thêm nữa là những thứ phụ tùng rắc rối như vợ chồng con cái. 

Cho đến lúc sức mòn lực kiệt… thì cuộc đời vô thường đòi lại tất cả những cái “có” của chúng ta… Phần ta còn trơ trọi hai bàn tay không. 
 
 

    2- Một Cách Trả Thù 
Tý bắc ghế định lấy kẹo ăn vụng. Ngờ đâu trợt chân té nhào. Tý lồm cồm bò dậy, tức tối muốn khóc… 

Chợt thấy con nô đứng bên cạnh, Tý móc cho nó một đá, mắng: 

- Ai bảo mày nhìn lom lom cho ông té vậy? Đồ khốn khiếp! 

Xin lỗi nhỏ:

Mỗi lần té nặng vì bắc ghế trèo lên cao để ăn vụng kẹo ngũ dục, chúng ta có nên tìm một con chó để đá cho đỡ tức và trút hết trách nhiệm lên cái mông vô tội của nó không? (Đỡ tức lắm thưa chư tôngiả! Nhất là loài cẩu vốn không biết nói nên chỉ biết cong đuôi vừa chạy vừa kêu ăng ẳng… Nhưng coi chừng! Đừng đá nhằm loài người mà bị chửi và bị đòn đấy!) 

Tóm lại cách tốt nhất là trút hết trách nhiệm lên đầu ông trời, thượng đế, con tạo hoặc nhân quả, nghiệp báo, định mệnh… còn khối thứ đỡ đòn cho chúng ta đấy, bạn ạ! 
 
 

  3- Thuốc Thành Bệnh 
Bé đi về thăm ngoại, bà ngoại đãi bé Tý một tô cháo gà nóng hổi, thơm phưng phức. Tý húp liền một miếng nhăn mặt: 

- Sao hổng ngon chi hết ngoại ơi! 

Ngoại nghe Tý chê, vội vã đem lên một ít muối bỏ vô tô khuấy đều. 

Tý thưởng thức xong reo: 

- Ngon số dzách ngoại ơi! Hỏng dè có thêm một chút xíu muối mà cháo ngon chi lạ! 

Lúc chào ngoại ra về, Tý xin ngoại một gói muối bự, đến một chỗ vắng, Tý trút hết gói muối vào miệng… Eo ơi! Nó mặn đến dộp lưỡi, bỏng miệng. 

Em thân mến!

Tất cả các pháp dù là Phật pháp đi nữa, chúng ta đều dùng một cách dè dặt như là muối biển vậy. Vừa miệng hay dộp lưỡi đều tùy thuộc vào cách sử dụng của ta chứ muối thì hoàn toàn vô tội. 

Nếu bây giờ khi đọc sách bắt gặp những đoạn văn kể chuyện người xưa tu hành quên ăn, nhịn ngủ ngồi mãi chẳng nằm… em cảm thấy thán phục và nghĩ rằng có lẽ nhờ những điều đó mà cổ nhơn đắc đạo và em bắt chước cái hình ảnh mà em vừa tưởng tượng ra và thán phục ấy, em cũng nhịn ăn, bỏ ngủ, cái mặt chừ bự thì coi chừng em sẽ bị dộp lưỡi như bé Tý vậy. 

Tô cháo ngon lành là do rất nhiều yếu tố đóng góp chứ đâu phải chỉ nhờ muối không thôi đâu, phải không nhỏ? 
 
 

   4- Bắt Chước Thầy 
Thuở xưa tại một vùng biên địa hạ tiện dân chúng đều mù chữ. Mãi cho đến một hôm có người đến tự xưng là thầy giáo đến thăm làng và dõng dạc tuyên bố: 

- Mọi người ai ai cũng có khả năng biết chữ hết. Nhiệm vụ của tôi khi xuất hiện ở ngôi làng này là giúp cho bà con cô bác phát triển khả năng đó, để thành một người biết chữ như tôi không khác. Mọi ngườinghe nói đều hồ hởi phấn khởi với sự hướng dẫn của thầy giáo. Nhiều lớp học được thành lập, nhiều người đến lớp học. Thầy giáo phát cho mỗi người một quyển vần A B C. 

Trong nhóm người tụ hội nơi lớp học người ta ghi nhận có những sự kiện sau: 

Một số người cho rằng khả năng biết chữ chỉ là một ân sủng thiên liêng dành cho hạng người ưu tú nhất trong nhân loại, nên sau khi trêu chọc số người ghi danh học, họ bỏ về. 

Riêng phần học trò với chút ít niềm tin rằng mình có thể biết chữ, đã tìm cách phát triển khả năng ấy bằng những cách như sau: 

1- Những người rất cảm kích trước tấm lòng của thầy giáo đã khổ công lặn lội đến đây, nên họ xin ảnh của thầy giáo về thờ chung với quyển vần A B C, sớm hôm lễ bái dâng hương hoa không hề chểnh mảng.

2- Hạng người kế vô cùng cảm phục tài năng của thầy giáo nên cùng nhau rắp tâm bắt chước thầy từ cách đi đứng, nói năng, ăn mặc đến nếp sinh hoạt hàng ngày. Họ bắt chước tài tình đến độ giống thầy giáo như đúc có khác chăng là họ hoàn toàn không biết chữ. 

Dĩ nhiên bằng lối học trên, chúng ta dự đoán được kết quả là sau bao nhiêu cố gắng không anh học trò nào biết chữ cả. 

Em thân mến!

Câu chuyện được dừng lại nơi đây vì trên thế gian này không có một lớp học nào kỳ quặc như thế cả. Các học trò đi học dần dần đều được biết chữ hết. May mắn biết là chừng nào… Nhưng còn chúng ta, những người học Phật và chưa giác ngộ (như Phật), có nên xét lại lối học của mình không? Như ông thầy giáo kia, chư Phật đều tuyên bố: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và chư Phật ra đời đều một lý do duy nhất: chỉ cho chúng sanh nhận ra và hằng sống với tri kiến Phật của chính mình.” Và chúng tađã học đạo giác ngộ bằng cách nào? 

Nếu chúng ta chỉ tôn thờ lễ bái và cúng dường kinh tượng bên ngoài thì coi chừng, ta sẽ vấp phải lỗi lầm của hạng học trò thờ cuốn vần A B C như trên. 

Hoặc chúng ta chỉ hâm mộ tôn kính thầy, tổ chư Phật, rồi rập khuôn cuộc đời ta y hệt như cuộc sống của những người mà ta hâm mộ thì có lẽ, bề ngoài chúng ta sẽ có một cái vỏ đĩnh đạc nghiêm trang, nhưng bên trong lại dẫy đầy phiền não, tương tự như hạng học trò bắt chước thầy trên không khác. 

Vậy thì chúng ta học Phật bằng cách nào đây? 
 
 

  5- Một Bông Hồng Cho Em 
 

Em

Tôi định viết cho em

Một bài thơ tuyệt diễm

Kết hợp bằng những ngữ từ

Chân thành và âu yếm

Xong

Tôi sẽ trang trọng đặt cho nó một cái tên thật kêu

Như “Tình yêu” chẳng hạn

Tôi định vẽ cho em

Một bức tranh cực kỳ thanh tú

Những nét mực sẽ nhẹ nhàng

Như sóng vỗ lao xao

Và trước khi ký tên

Tôi sẽ hạ một dòng chữ bay nghiêng

(A ROSE TO…)

“Một bông hồng cho…”

Cầm bút tay run

Hồn say lảo đảo

Tim đập dập dồn

Tôi bối rối nhìn lên

Giữa những cành lá xanh tươi của khu vườn mùa hạ

Bình minh lên rực rỡ

Dịu dàng êm từng đọt là chồi cây

Mộng đêm qua…

… Chỉ còn là…

… Một thoáng mây…

Bất chợt

Tôi nhận ra rằng:

Em

Chỉ là một hình bóng của chính tôi

Một nhân dáng về em

Dù đẹp như thiên thần

Hay tệ như ác quỷ

Cũng chỉ là

Một ảo tưởng

Trong trăm nghìn ảo tưởng

Sinh khởi liên miên

Bất kể đêm ngày 

Nếu tôi bảo rằng: “Đã yêu em”

Thì hóa ra

Tôi đã yêu

Một ảo tưởng của chính mình

Cũng vì thế mà

Thay vì

Làm một bài thơ tuyệt diễm

Chân thành và âu yếm

Hay

Vẽ một bức tranh

Đẹp như mơ

Tôi đành chỉ bật cười

Với những giọt nắng long lanh

Trên ngàn cây hoa lá

Từ dạo đó

Trên những con đường trải cỏ xanh

Hay phủ đầy gốc gai sỏi đá

Tôi vẫn đi bằng bàn chân trần trụi

Với nụ cười và ánh mắt sơ khai

Ngôn từ đã khép lại

Như những lối mòn sau bước chân phiêu lãng

Những bước chân ra đi

Cũng chính là những bước quay về.

 

  6- Ba Bà Hoàng Hậu 

Ngày xửa ngày xưa, có một ông vua trẻ. Đức vua cai trị một vương quốc giàu có xinh đẹp nhưng đẹp nhất có lẽ là ba bà hoàng hậu của đức vua. 

Ba vị hoàng hậu này vừa có sắc vừa có tài nên cả ba đều được đức vua sủng ái như nhau. “Mỗi người có một vẻ, mười phân vẹn mười.” 

Cho đến một hôm, nhà vua bỗng nảy ra một ý nghĩ: “Trong ba mỹ nhân này thế nào cũng có một người tuyệt diệu hơn hai người kia… Nhưng ta không tài nào nhận ra được, có lẽ vì nhìn mãi có quen mắt đi chăng? Hay là ta hỏi ý kiến bọn cung phi vậy.” 

Đức vua bèn mở một cuộc trưng cầu dân ý tại hậu cung để tìm xem trong ba mỹ nhân ai là người đẹp nhất, kết quả cũng không lấy gì làm sáng sủa lắm vì ai cũng cho rằng cả ba vị hoàng hậu đều đẹp ngang nhau. 

Nhà vua lại đem nội vụ ra bàn với đình thần. Kết quả cũng tương tự như trên. Quan tể tướng khuyên đức vua nên dừng cuộc khảo nghiệm lại vì e nó chẳng được lợi ích gì mà đôi khi lại mang đến hậu quảkhó lường được. Thay vì nghe theo lời khuyên sáng suốt của vị trung thần lão thành ấy thì đức vua của chúng ta lại nổi cơn thịnh nộ, truyền lệnh cho quan tể tướng phải giải quyết cho xong công việc trong vòng ba hôm. 

Sau một lúc im lặng, quan tể tướng kính cẩn thưa: 

- Muôn tâu thần trộm nghĩ rằng bọn hạ thần chỉ sở trường về chuyện cung kiếm văn thơ… còn chuyện đẹp xấu, tướng hảo ra sao thì chắc phải nhường cho những vị bốc sư. Kinh thành ta có một vị bốc sư nổi tiếng. Hay là bệ hạ cho mời y vào y sẽ phân biệt rõ ràng hơn chăng? 

Nhà vua nguôi giận. Một ông thầy bói được lập tức triệu vào cung để chiêm ngưỡng dung nhan ba người đẹp. Vị bốc sư không chịu cho biết kết quả ngay mà xin khất lại ngày hôm sau để về “tra tự điển” lại. 

Lão bốc sư đi rồi, quan tể tướng bèn bỏ nhỏ với đức vua: 

- Muôn tâu thánh thượng! Hạ thần trộm nghĩ rằng quý đức bà mỗi người một vẻ đẹp riêng, tùy theonhãn quan và sở thích của từng người, ý kiến của chúng thần có thể bất đồng nhau, nhưng vì sợ uy quyền của đức bà nên bọ hạ thần không dám nói lên ý kiến của mình mà chỉ kết luận chung rằng cả ba đều tài sắc ngang nhau… Nếu thần không lầm thì lão bốc sư này cũng lâm vào một tình thế khó xử như bọn hạ thần nên lão mới khất lại vào ngày mai đó thôi!

- Thế thì khanh giải quyết bằng cách nào?

- Muôn tâu bệ hạ giả mạo ba bức thơ, ký tên của ba đức bà, hẹn lão ấy đến ba địa điểm riêng. Nếu y đến địa điểm nào thì đức bà ấy sẽ là người đẹp nhất.

- Hay lắm! Khanh hãy thi hành ngay cho trẫm. 

Ba bức thư tức tốc được gởi đi và lão bốc sư liền đi đến chỗ hẹn với bà hoàng đẹp nhất.

Đức vua truyền lệnh chém đầu lão thầy bói.

Và từ đó đức vua đặc biệt sủng ái vị hoàng hậu vào chung kết này. Hai bà hoàng hậu còn lại vô cùngtức tối, họ âm mưu với nhau dùng độc dược giết chết bà hoàng hậu đẹp nhất. 

Chuyện bại lộ, đức vua truyền lệnh xử tử luôn hai hoàng hậu còn lại. 

Ba vị hoàng hậu xinh đẹp nhất nước đều chết hết. Đức vua còn lại một mình để thấy hoàng cung sao mà trống trải lạnh lẽo, bất kể xuân hạ thu đông. 

Em thân mến!

Vạn pháp trên thế gian này mỗi pháp đều có một đặt tính riêng những chi chúng ta bắt đầu “ưu tiên một” cho pháp nào tức là hệ tâm vào nó thì sự việc bắt đầu trở nên rắc rối. Có lẽ vì vậy mà đức Phật thường khuyên chúng ta là hãy để yên cho các pháp trụ ở bản vị của nó, chớ xen vào phân biệt để tự chuốc khổ cho mình và làm di họa cho người chung quanh. 

Cũng thế, trong sự tương giao với bạn bè lân cận, mỗi người của chúng ta đều mang một cá tính riêng biệt, chiếm một vị trí, cách thế khác nhau, chẳng ai giống ai… Và chúng ta cũng khó mà kết luận rằng ai quan trọng cho ai… Mùa xuân có hoa lan, mùa thu có hoa cúc, mỗi loài hoa đều có hương sắc riêng của nó, không thể bắt loài hoa này bắt chước hoa kia được. Em có thấy rằng số phận rủi ro luôn luôn đến với người mà chúng ta đặc biệt ưu ái không? Vậy thì, ta có nên ngu ngơ đem cái tình thức phân biệt của mình xen vào các mối tương giao ấy, để cảm thấy cuộc đời này sao mà lạnh lẽo, bất kể bốn mùa xuânhạ thu đông hay không? 
 
 

  7- Làm Sao Đây 

Một hôm đến ngày chợ phiên, bác Xả dắt con đi chợ mua một con lừa. Hai cha con vui mừng leo lên lưng lừa cho nó chở về nhà. Đi được một quãng bác nghe tiếng người bình phẩm: 

- Trời đất ơi! Ác thế thì thôi. Cả hai cha con đều thượng lên lưng con lừa thì nó sống làm sao cho nổi. Bác Xả nghe nói có lý, vội tụt xuống để con cỡi lừa còn mình đi bộ. Khi ấy bác lại nghe người qua đường bình phẩm:

- Thật là thời thế đảo điên, con đi lừa, cha đi bộ… bất hiếu thế thì thôi, thảo nào! 

Bác Xả lại lên lừa, thằng con xuống đi bộ. Bấy giờ người ta liền nói: 

- Tôi chưa từng thấy thằng cha nào nhẫn tâm như thế, con thì đi bộ còn mình thì ngất nghểu trên lưng lừa… chao ôi! 

Hai cha con đành đi bộ, con lừa lững thững theo sau. Khách bàng quan lại bình phẩm: 

- Rõ khổ! Có một con lừa để làm gì mà cả hai bố con phải đi bộ. Ngu ơi là ngu…! 

Em thân mến!

Trong cuộc tương giao với người chung quanh, chúng ta cần lưu ý đến dư luận để sửa sai những khuyết điểm của mình. Nhưng dư luận không phải là một thước đo hoàn hảo lắm nên đôi khi chúng takhông khỏi lúng túng như hai cha con bác Xả trên đây. Có phải thế không em? 
 
 

   8- Ba Cái Bánh Ít 

Xưa có một lão thầy pháp đi hành nghề, dắt theo một chú đệ tử nhỏ. 

Trong lúc cầu đảo cho gia chủ, lão lén lấy được ba cái bánh ít và dúi cho thằng đệ tử đang đứng quạt hầu sau lưng. 

Đám xong, hai thầy trò ra về. Trên đường về lão thầy pháp bảo đồ đệ lấy bánh ít ra ăn lót dạ. Thằng bé ấp úng nói: 

- Khi ấy con tưởng thầy cho con nên con ăn hết cả rồi… 

Hai thầy trò đành tiếp tục đi, thầy trước trò sau. Được một quãng, ông thầy quay lại mắng đệ tử: 

- Bộ tao là tù nhân sao mà mày đi tò tò phía sau như công an áp giải tội phạm vậy? 

Trò nghe quở, lật đật chạy đi trước. Ông thầy lại nạt nộ: 

- Bộ mày là thầy tao sao mà dám đi trước tao? 

Chú bé liền đi ngang hàng với ông thầy, bấy giờ ông thầy liền trợn mắt quát: 

- Bộ mày là bạn bè tao sao mà dám đi ngang hàng với tao? 

Chú học trò khổ sở, lúng túng, đành vòng tay thưa: 

- Bạch thầy, vậy đệ tử phải đi cách nào cho đúng lễ đây? 

Đến lúc này, ông thầy pháp mới chịu nói rõ ý mình: 

- Mày muốn đi kiểu nào cũng được… miễn sao có ba cái bánh ít trả lại tao thì đúng lễ ngay. 

PC: Sự thật, đôi khi khó nói biết là bao. Có lẽ vì vậy mà loài người phải có thật nhiều từ ngữ để nói một cách dài dòng như lão thầy pháp trên đây vậy. 
 
 

   9- Kỷ Thuật Nhà Nghề 

Xưa, có một vị quan muốn may áo mới. Quan cho vời một chàng thợ may đến. Thợ may nhận vải đo ni tấc xong kính cẩn thưa: 

- Bẩm quan, xin Ngài cho con biết Ngài đã làm quan được bao nhiêu năm rồi ạ? 

Ông quan ngạc nhiên hỏi: 

- Cái nhà chú này thật lắm chuyện! Công việc của chú là may áo thì cứ gắng mà may cho khéo, hỏi chi thêm những chuyện chẳng dính dáng gì đến mình làm chi thế?

- Bẩm quan! Con hỏi câu ấy cũng nằm trong phạm vi nghề nghiệp của con. Con mà may khéo cũng nhờ những câu hỏi tỉ mỉ ấy! 

Ông quan ngạc nhiên: 

- Hử! Chú mày nói rõ cho ta nghe… xem sao.

- Bẩm quan… khó nói quá!

- Mi cứ nói đi.

- Bẩm, nhưng nếu có điều gì sơ thất thì xin Ngài thứ lỗi cho con.

- Ừ!

- Bẩm… theo kinh nghiệm nhà nghề của con thì đức ông nào mới được bổ nhiệm… đều phải may vạt áo trước dài hơn vạt áo sau, ngực to và bụng nhỏ…

- Sao thế?

- Bẩm! Vì các ngài thường hay ngẩng mặt lên và ưỡn ngực ra phía trước ạ… 

Bẩm… ngược lại, đức ông nào đã nhậm chức lâu năm thì con phải may vạt áo sau dài hơn vạt áo trước… vì quý ngài thường phải vào lòn ra cúi với cấp trên mới giữ chức lâu như thế… 

Dạ bẩm, còn các quan trung niên, nghĩa là được tiến cử không quá lâu hay quá mau thì con may cả hai vạt bằng nhau. Ngài đã hỏi thì con xin thưa như thế. 

Xin đức quan thí cho những điều không phải và cho con biết ngài làm quan đã bao lâu rồi ạ! 

Em thân mến!

Kỹ thuật của bác thợ này, đâu chỉ áp dụng may áo cho các quan thôi đâu… có phải thế không? 
 
 

  10- Đông Thi Nhăn Mặt 

Thuở xưa, có một thiếu nữ tên là Tây Thi rất xinh đẹp. Tây Thi có bệnh đau bụng, mỗi lần gặp cơn đau, nàng ôm mặt rên rỉ, nhan sắc càng yêu kiều, khiến ai nấy cũng phải tấm tắc mủi lòng. 

Cùng làng có Đông Thi một thiếu nữ xấu xí. Nghe dân chúng trầm trồ về sắc đẹp của Tây Thi trong những cơn đau bụng, muốn được mọi người chú ý khen ngợi như Tây Thi, Đông Thi cũng giả vờ đau bụng và ôm mặt nhăn nhó rên la. 

Nào ngờ, dân chúng tưởng đâu quỷ hiện hình nên gọi nhau bồng con cõng vợ chạy trốn cả. 

Em thân mến!

Như một người đẹp thì nhăn nhó, ho hen, tằng hắng gì, người ta cũng chiêm ngưỡng cả. Một bậc đã giác ngộ thì nhấc tay cất bước đều là hành vi giác ngộ. Nếu chúng ta chưa phải là Tây Thi thì chớ có biểu diễn… sắc đẹp, chưa phải là thiền sư Đơn Hà thì hãy khoan đốt tượng, chửi Phật, mắng Tổ đó nghen! 
 
 

  11- Ăn Trộm Dạy Con 

Xưa, có một tên đạo chích rất lành nghề, một hôm con trai y ngỏ ý học nghề của cha, tên ăn trộm liền dẫn con đi thực tập. 

Hai cha con đến một nhà giàu có đánh bả cho lũ chó chết mê mệt xong đạo chích đào ngạch khoét vách , dắt con chun vào nhà. 

Cả nhà đang ngủ say như chết, tên trộm thấy một cái rương to còn trống bèn giở nắp rương ra, bảo con: 

- Con chun vào đây, hốt hết đồ đạc bỏ vô bao cho cha. 

Thằng con y lời, đạo chích bèn đóng nắp gài khoen lại … rồi lẻn ra khỏi nhà, hô hoán lên ầm ĩ: 

- Ăn trộm! Ăn trộm! 

Chủ nhà bừng tỉnh, thấy nhà bị khoét vách, dáo dác tìm kiếm hồi lâu, không thấy động tĩnh chi hết liền đi ngủ lại. 

Thằng con lão chích nằm chết điếng trong rương, tái tê vì sợ và hận cha khôn tả. Hồi lâu hắn nghĩ ra một kế thoát thân, bèn lấy tay sột soạt vào thành rương và giả tiếng chuột kêu “chí chí” để đánh lừa chủ nhà. 

Nghe chuột kêu, chủ nhà vội thức giấc đốt đèn mở rương đuổi chuột, thằng bé liền nhỏm dậy, tắt đèn, xô té chủ nhà tông cửa chạy một mạch. Chủ nhà lục tục kéo nhau, vừa chửi vừa đuổi theo. 

Thằng bé chạy đến đường cùng thì gặp một cái giếng, nó vội vàng ôm một cục đá to liệng xuống giếng và tri hô. 

- Thằng ăn trộm rớt xuống giếng rồi làng xóm ơi! Mọi người đổ xô nhau kéo đến giếng để bắt trộm, thằng bé chạy một mạch về nhà. 

Gặp cha, thằng bé òa lên khóc và không tiếc lời để oán trách cha, đạo chích chỉ mỉm cười nói: 

- Khoan đã, con hãy kể cho cha nghe con đã thoát thân bằng cách nào? 

Cậu con thuật lại từ đầu chí đuôi, lão chích vỗ tay cười ha hả: 

- Hay quá! Con tôi đã thành nghề rồi! 

Em thân mến!

Hốt của bỏ vô bao và vác về nhà xài khi có người dắt đi đào ngạch, khoét vách sẵn… là một điều mà bất cứ thằng cu con nào cũng làm được, nhưng phải tìm cách thoát thân một mình thì chỉ có thằng cu này. Vì như vậy mà lão chích mới cười ha hả khi nghe con mình thuật lại đầu đuôi câu chuyện. 

Còn chúng ta nhờ nghiệp lực dẫn dắt chui vào thế gian này, tôi và em giống như thằng cu con, đang lúi húi hốt ngũ dục nhét cho đầy túi tham của mình thì “ầm” một cái cửa rương khóa chặt. Đó là lúc chúng ta bị bủa vây và đối diện với bát phong: lợi, xúy, mắng nhiếc, khen tặng, vinh nhục, vui buồn v.v… òa lên khóc than và không tiếc lời oán trách cha mẹ, thượng đế… thì ai cũng làm được. Nhưng làm sao để tự tại trước bát phong thì… tùy theo sự khéo léo của từng người. Nghệ thuật ăn trộm, nghệ thuật sống hay nghệ thuật học thiền chỉ là một mà thôi em ạ! 


 
 

 

  12- Quyển Kinh Đi Lạc 

 Điệu Bi có một quyển kinh nhật tụng rất quý. Một hôm tụng xong Điệu đi ngủ ngay quên cất quyển kinh đi. 

Một chú chuột chạy qua thấy quyển kinh mừng rỡ: 

- Má bầy trẻ mà được món này lót tổ thì còn gì bằng. 

Thế là chú chuột na quyển kinh về một chiếc hang ở dưới gầm tủ. Bà chuột định xé quyển kinh ra lót tã cho sắp nhỏ thì bỗng nghe tiếng “meo meo” của ông mèo. Bà chuột liền lẩn mất. 

Mèo đi đến gặp quyển kinh liền leo lên nằm khoanh đánh một giấc ngon lành. Ngủ xong, mèo vươn vai, xoa bụng nói: chiếc chiếu này êm quá, mình ngủ một giấc ngon chi lạ! Và mèo bỏ đi. 

Con lu lu đang đi chơi thơ thẩn, bỗng thấy quyển kinh bèn than tuốt ra vườn, nghĩ bụng: “Mình đem cái này ra kiếm con Nô, hai đứa chơi trò ném banh mới được.” 

Chơi chán, Nô và Lu bỏ quyển kinh giữa đường. Cu Bình đi học về bắt được reo: “A! Mình có giấy dán diều và xếp ghe chơi rồi.” 

Thế là quyển kinh được dán thành con diều bay lên trời, xếp thành ghe trôi bềnh bồng trong mương nước. 

Một phần còn lại, được lũ mối xé nhỏ ra, khênh về tổ, nấu nướng và ăn tiệc mừng sinh nhật của mối chúa. 

Em thân mến!

Chỉ có quyển sách thôi mà Điệu Bi gọi là kinh nhật tụng, chú chuột cho là đồ lót ổ, con mèo dùng như một chiếc chiếu, chó Lu đem làm đồ chơi, cu Bình dán thành con diều và lũ mối thấy đó là món ăn khoái khẩu. 

Tại sao thế? 

Đức Phật dạy rằng, tùy theo từng biệt nghiệp của chúng sanh mà mỗi kẻ có một lối nhìn kiến chấp, quan niệm về vạn hữu hoàn toàn khác nhau. Và điều rắc rối nhất ai ai cũng cho rằng quan điểm và cách sử dụng của mình là hay nhất, thông minh nhất, hợp lý nhất v.v… 

Và đó cũng chính là điều điên đảo nhất của chúng ta. Có phải thế không? 
 
 

  13- Người Hướng Đạo 

Một hôm, trên đường đi dạo, sư bỗng khám phá ra một khoảng đường trơn trợt trong khuôn viên chùa, ai sơ ý là té dễ như chơi. 

Động lòng bi mẫn, sư bỏ cả một buổi ngủ trưa để hì hục đóng, sơn và vẽ một tấm bảng báo động. 

Xong, đem cắm ở quãng đường trơn trợt dễ té.

Ngẫm lại công trình của mình, sư khoan khoái đi tới đi lui, nhìn ngắm nghĩ bụng: 

- Thật là an toàn! Có tấm bảng báo động nơi đây thì bảo đảm chẳng có ai trợt chân cả… 

Ngờ đâu sau một bước đi lui, sư trở thành người trợt chân đầu tiên. 

Em thân mến!

Trong quãng đường vừa qua, ít nhất cũng đã hơn một lần chúng ta bị té kiểu này. Cái đau của thể xác không thấm vào đâu so với niềm tủi hổ, có phải không? 

Nhưng không sau! Mỗi lần té xong, mình vẫn còn có thể đứng dậy được… Và nếu còn gặp quãng đường nào cần vẽ bảng báo động chúng ta vẫn sẵn sàng bỏ ngủ trưa để “ăn cơm nhà đi làm chuyện hàng xóm” miễn sao có người nhờ tấm bảng của mình mà khỏi bị trợt chân thì… dù té bao nhiêu lần, mình vẫn thấy vui… 

Em có thấy thế không? 
 
 

   14- Khi Người Về 
Xưa có một chú bé tên là cu Lém. Lém đi chơi và ngủ quên ở một miếu thờ thổ thần.

Nửa đêm Lém giật mình tỉnh giấc vì bước chân của một con quỷ trắng. Con quỷ này mang trên vai một xác chết của cụ già. Nó hí hửng ngồi xuống định ăn thịt xác chết thì bỗng có tiếng chân hối hả chạy đến. Lại thêm một con quỷ đen xuất hiện. Cả hai con đều tranh nhau xác chết, không ai chịu thuaai. Quỷ trắng bèn nhờ cu Lém làm trọng tài. Cu Lém đành phải tuyên bố: 

- Tôi thấy ông trắng vác xác chết vô trước. Vậy cái xác này là của ông. 

Quỷ đen liền tức giận bẻ một cánh tay của cu Lém bỏ vô miệng nhay rau ráu.

Quỷ trắng thấy cu Lém vì binh vực mình mà bị cụt tay bèn bẻ một tay của xác chết đền cho cu Lém, nhờ pháp thuật của con quỷ, tay cu Lém liền ngay không hề hấn gì. 

Quỷ đen thấy vậy, bèn bẻ thêm một cánh tay kia của cu Lém cho vào miệng nhai. Quỷ trắng lại đền cho Lém cánh tay còn lại của xác chết. 

Cứ thế, lần lượt hai chân, đầu và mình của cu Lém đều chui vào bụng con quỷ đen. Ngược lại, đầu mình tay chân của xác chết cụ già được ráp cho cu Lém. 

Gà gáy sáng, hai con quỷ biến mất, cu Lém trở về nhà. Thấy nó bước vào , ba má cu Lém ngạc nhiênchắp tay chào hỏi: 

- Thưa cụ! Cụ tìm chúng cháu có việc chi ạ! 

Em thân mến!

Ngày và đêm cũng đã tranh nhau biến đổi thân xác của chúng ta, y hệt như hai con quỷ trắng và đen đã thay đổi thân xác của thằng cu Lém. Đó là một điều hiển nhiên… Không ai còn lạ lùng gì nữa. Có lạ lùng chăng là loài người của chúng ta, ai cũng ngỡ rằng mình không bao giờ già và không bao giờ chết vậy. Hỡi ơi! Chuyện khó tin mà lại có thật! 
 
 

   15- Chỉ Một Giới Thôi

Uttiga là một thanh niên Bà La Môn ở kinh thành Xá Vệ. Sau khi làm đầy đủ bổn phận của một cư sĩ tại gia như bố thí cúng dường. Uttiga đến yến kiến Phật và xin được xuất gia. Đức đạo sư chấp nhận cho chàng được toại nguyện. 

Sau ngày xuất gia và thọ tỳ khưu giới, Uttiga đâm hoảng chàng tự nghĩ:

“Không ngờ muốn làm một sa môn phải giữ đến 250 giới… chỉ nhớ thôi cũng đã đủ mệt rồi… Nói gì đến thọ trì… Thôi chết rồi! 

Và thầy tỳ kheo Uttiga đâm ra lúng túng vì thầy không tài nào nhớ nổi 250 giới cấm. Uttiga đến gặp Phật và xin hoàn tục vì chàng không tài nào xoay sở với ngần ấy giới luật phải giữ. Đức đạo sư ân cầnkhuyên hỏi: 

- Này tỳ kheo! Con xin hoàn tục vì các điều giới quá nhiều khiến con không nhớ nổi, chứ không phải vì con nuối tiếc dục lạc thế gian, có phải thế không?

- Bạch Thế Tôn! Đúng như vậy! Con nghĩ rằng khi sống đời cư sĩ, chỉ phải giữ có năm giới cấm… là những điều mà con có thể thi hành được. Còn hôm nay, 250 giới của tỳ kheo, con không tài nào nhớ hết thì làm sao mà vâng giữ chi bằng con xin hoàn tục để khỏi vi phạm đến giới pháp cao sâu vi diệu của tăng đoàn.

- Này tỳ kheo! Nếu Như Lai rút 250 giới lại thật tóm tắt, chỉ còn một vài điều giới thôi, thì con có thể tiếp tục đời sống xuất gia hay không?

- Bạch Thế Tôn, được như thế thì còn gì bằng.

- Này tỳ kheo bắt đầu từ hôm nay, con chỉ giữ có một giới này thôi. Đó là canh chừng thật chặt chẽ những móng tâm động niệm của con, biết rõ từng ý nghĩ khởi lên là thiện hay ác. 

Này tỳ kheo! Làm sao biết đó là ý tưởng thiện hay ác? Ý tưởng ác là những ý tưởng mà nếu đem ra nói hay làm, sẽ gây tai hại cho mình cho người hoặc cả hai. Đối với những ý tưởng như thế, con phải canh chừng theo dõi nó từ lúc mới sanh khởi, lan rộng cho đến khi diệt mất. 

Này tỳ kheo! Thế nào là những ý tưởng thiện. Đó là những ý tưởng mà khi đem ra thi hành sẽ không làm hại mình, hại người hoặc hại cả hai… Đối với những ý tưởng loại này con cũng phải theo dõi từ lúc chúng sanh khởi, lan rộng cho đến khi hoại diệt mất. 

Này tỳ kheo! Với một điều giới như thế, con có thể giữ được hay không? 

Thầy tỳ kheo Uttiga cung kính thưa: 

- Bạch Thế Tôn, con có thể giữ được và con xin Thế Tôn cho phép con ở lại tịnh xá tu học. 

Rồi thầy tỳ kheo Uttiga với một điều giới duy nhất như thế tinh cần tu tập. Không may cho thầy một cơn bệnh nặng chợt đến khiến thầy phải gián đoạn công phu. Cơn bệnh này tiếp nối cơn bệnh khác, không dứt khiến thầy Uttiga vô cùng sầu khổ, một hôm trên giường bệnh thầy chợt nghĩ:

“Trong khi ta lâm bệnh khổ, thân thể khó chịu vô vàn như thế này, các ý tưởng sinh khởi liên miên không bao giờ dứt. Nếu cái thân xác thịt này không được tiếp tế thức ăn, nước uống và không khí thì có lẽ nó đã chết từ lâu. Còn cái vọng tâm của ta, nếu không được tiếp tế bằng những ý niệm thì có lẽ nó cũng đã chết từ lâu lắm rồi. Thân ta tuy hiện đang bị bệnh khổ bức bách nhưng nó không phải là một cái cớ để ta buông lung. Huống chi đấng đạo sư đã thương tình tóm tắt 250 điều giới trong chỉ mỗi một giới mà ta còn lơ là thì thật là đáng trách. 

Nghĩ như thế tỳ kheo Uttiga tinh cần tu tập. Chẳng bao lâu thầy đắc A La Hán ngay khi còn nằm trên giường bệnh. Người ta còn ghi lại được một bài kệ đơn giản của vị La Hán này như sau: 

“Trong khi ta lâm bệnh

Niệm khởi lên nơi ta

Trong khi ta lâm bệnh

Không phải thời phóng dật.” 

Trường hợp của thầy tỳ kheo Uttiga cũng là trường hợp của em và tôi. Dù đã thọ năm giới, 10 giới, 250 giới hay 348 giới đi nữa, tuy số lượng có sai biệt nhưng tinh thần của giới luật không ngoài hai điểm: “Dứt ác, làm lành.” Đó chính là giới răn mà đấng đạo sư đã tóm tắt cho thầy Uttiga. Giữ gìn giới đạo này, nhà thiền gọi là “chăn trâu” đó em. 

Thử thời thuyết đạo hãn tri âm

Chỉ vị như tư tán đạo tâm

Hề tợ Tử Kỳ đa sảng sấm

Thính lai nhất đạt Bá Nha cầm.

 Thiền sư Tịnh Giới 
 
 

Đời nay hiếm kẻ tri ân

Đến nghe thuyết giảng đạo tâm mơ màng

Tử Kỳ lòng quả chư nhàn

Thoảng nghe đã hiểu cung đàn Bá Nha. 

Ôi dư cốt dốt độc hoàng chương

Khẩu đáp sơn đồng vấn đoản chương

Thủ ba suy thương hòa mộc dạc

Tùng giao nhân tiếu lão tăng mang.

 Thiền sư Huyền Quang (VN) 
 
 

Củi hết lò còn vương vấn khói nhẹ

Sơn đồng hỏi nghĩa một chương kinh

Tay cầm dùi mõ tay nâng sáo

Thiên hạ cười ta cứ mặt tình. 
 
 

Song triêu nguyệt đáo thiền sàng mất

Tùng thiếu phong xuy tỉnh khách miên…

Đầu giường trăng dọi song thưa

Gió ru thông hát khách đưa giấc nồng. 
 
 

      16- Dasaka 

Trong thời Phật còn tại thế Dasaka sinh trưởng trong một gia đình nô bộc dưới quyền của nhà cự phú Cấp Cô Độc. Chàng giữ nhiệm vụ canh gác tinh xá Kỳ Hoàn để chư tăng không bị khách lạ khuấy nhiễu trong khi tọa thiền. 

Được chiêm ngưỡng từ dung của đấng đạo sư cùng nếp sống thanh tịnh của tăng đoàn, Dasaka ao ước được thoát kiếp nô lệ và xuất gia tu học. Nguyện vọng này được thực hiện ngay, với sự bảo trợ của trưởng giả Cấp Cô Độc, chàng gác dan Dasaka biến thành tỳ kheo Dasaka. 

Sau ngày xuất gia Dasaka vẫn giữ nguyên thói lười cố hữu. Mỗi ngày, sau khi khất thực và nhận đầy đủ thức ăn, tỳ kheo Dasaka thường tìm một chỗ thanh tịnh và nằm khoèo xuống ngủ. Trong những giờ học kinh, sư thường tìm cách lẩn tránh ra phía sau hội chúng, ngồi tựa lưng vào một gốc cây và thả hồn vào cõi mộng. Những sự kiện này không thoát khỏi ánh mắt của đức đạo sư. Một hôm nhằm lúc Dasaka vừa mở mắt sau một giấc ngủ dài, đang vươn vai để ngủ tiếp, đức đạo sư liền đọc một bài kệ: 

“Những ai mê ngủ ham ăn

Lăn qua trở lại ngủ lăn suốt ngày

Như con heo mập ăn hoài

Người ngu tiếp tục chuỗi ngày thai sanh.” 

Bài kệ rõ ràng đang chỉ trách một người ham ăn mê ngủ là Dasaka… khiến sư hốt hoảng và hổ thẹn đến toát mồ hôi. Từ đó tỳ kheo Dasaka tinh cần tu tập. Công khó của thầy cuối cùng cũng được đền bù xứng đáng. Sau một thời gian hạ thủ, tỳ kheo Dasaka đắc quả A La Hán. 

Đức A La Hán Dasaka không làm thêm một bài kệ mới nào. Ngài chỉ đọc lại bài kệ cảnh tỉnh của đấng đạo sư đối với ngài trên, như một lời tuyên bố về chánh trí của La Hán Dasaka. 

Em thân mến!

Chúng ta có đồng minh rồi đó! 
 
 

    17- Bảng Chỉ Đường 

Tu viện ở cách xa đường tráng nhựa, tận cùng trong một thôn xóm hẻo lánh nên khách thập phươngđến viếng chùa thường ngao ngán và bị lạc đường vì lối vào chùa là một con đường có nhiều ngã ba. 

Theo lời yêu cầu của nhiều người, chư sư cho cắm các bảng chỉ đường tại các lối tẻ. 

Từ khi có bảng chỉ đường số người lạc đường lại tăng lên gấp bội, ngay cả những người đã đến chùa nhiều lần. Chư sư ngạc nhiên, liền mở cuộc điều tra. 

Thì ra… các chú mục đồng tinh nghịch đã thừa lúc vắng người, đem bảng chỉ đường cặm sang một lối khác. 

Chư sư liền đem tấm bảng chỉ đường về chùa cất. 

Em thân mến!

Tấm bảng chỉ đường vẫn còn đó, chữ đẹp và rõ ràng trên nền sơn còn mới, nhưng lại bị một bàn tay chơi xấu hướng về một lối đi sai, thì cũng phải dẹp bỏ gấp, vì chẳng những nó không làm tròn bổn phận chỉ dẫn, mà còn làm sai lạc cho những người quen lối nữa… Trong trường hợp ấy duy trì bảng chỉ đường là một điều ngu xuẩn, em có thấy như thế không? 

Vậy thì, em đã hiểu tại sao Tổ Bồ Đề Đạt Ma người khai đường cho Thiền tông Trung Hoa đã tuyên bố: 

“Bất lập văn tự

Giáo ngoại biệt truyền 

Trực chỉ nhân tâm

Kiến tánh thành Phật”… chưa? 

Thiền Tông không câu nệ vào văn tự kinh điển, không phải vì chư sư xem thường lời Phật dạy. Nhưng trong trường hợp này, kinh điển giống như những tấm bảng chỉ đường đẹp và rõ ràng thật đấy song đã bị những bàn tay tinh nghịch đổi chỗ mất rồi, thì đành phải “truyền riêng ngoài giáo” vậy. 

Em có thấy như thế không? 
 
 

    18- Bát Cháu Lú 

Xưa, có một vị thú y mệnh chung thần hồn xuống âm phủ, sau khi được diêm vương xét xử, hồn ma được đưa đến quán cháo lú ăn trước khi đi đầu thai. Vào quán cháo, hồn ma tình cờ gặp phải một bầy chó mà thuở sanh tiền ông thường chữa bệnh cho chúng. Bầy chó vốn có nghĩa rất mừng rỡ khi gặp lại ông. Đến lúc bà hàng dọn cháo, ông nhịn phần mình cho bầy chó ăn. 

Công an ở diêm phủ dắt hồn ma đi đầu thai làm một thằng Cu. Nhờ không ăn cháo lú, nên thằng Cu này nhớ rõ tiền kiếp mồn một. Được 5 tuổi, thằng Cu khẩn khoản xin ba má dắt đi thăm thân bằng quyến thuộc cũ. Ba má nó thấy lạ nhưng vẫn chìu con. Cuộc tao ngộ giữa thân quyến và thằng Cu diễn ra trong một không khí éo le và cảm động. Thằng Cu được gặp lại bà vợ cũ, con trai, con gái, cháu nội, cháu ngoại. Bằng giọng nói ngọng nghịu của đứa bé lên 5, Cu kể vanh vách tiền kiếp của mình cùng thăm hỏi hàn quyên với vợ con, cháu chít nữa. 

Sau câu chuyện này thằng Cu không thể sống bình thường như bao nhiêu thằng bé khác, gánh nặngcủa tiền kiếp hằn sâu trên thân xác thơ dại của thằng bé, những mối dây thân ái trong quá khứ khiến thằng bé quên mất nhịp sống hiện tại. Cuối cùng ba má nó đành đưa nó vào chùa, không phải để tu học mà là để đi dưỡng tâm thần. Cậu con trai út của ông bác sĩ thú y cũng tình nguyện vào chùa để chăm sóc người cha bé con của mình và tu tâm dưỡng tánh luôn thể. 

Em thân mến!

Ba Kiến Châu đã kể câu chuyện trên cho tôi và các bạn nghe, mẫu chuyện mà ông đã lượm lặt được trên những nẻo đường xuôi ngược. Ba tôi còn quả quyết rằng câu chuyện trên hoàn toàn có thật. Những nhân vật trên hiện còn, thằng Cu trong câu chuyện là một vị tăng tuổi trạc tứ tuần. Tôi không dám cam đoan với em về tầm mức chính xác của câu chuyện, có điều kể lại cho em nghe, tôi chỉ muốn ngỏ ý với em rằng, nhớ được tiền kiếp là một khả năng mà bất cứ người nào cũng có. 

Các bậc đắc đạo gọi nó là “túc mạng minh” Trong kinh đức Phật cũng từng khuyến cáo các hành giả tu tập, nếu chưa được lậu tận thông tức là khả năng hóa giải hết thảy phiền não, mà lại có thần thông thì phải xả bỏ đi lập tức… Có lẽ Ngài e rằng chúng ta sẽ lâm vào hoàn cảnh dở khóc dở cười như thằng Cu trên đây. Trong quãng đời hiện tại, chỉ nhớ đến những chuyện vui buồn quá khứ chúng ta đã bị lụy khổ sầu vô hạn rồi huống chi là nhớ lại những ân oán buồn vui trong tiền kiếp. Đức Phật và các bậc đắc đạo   nhớ rõ quá khứ với từng tình tiết chi ly mà tâm các Ngài hoàn toàn bình thản, trong khi chúng ta lại nhìn quá khứ với biết bao là nuối tiếc, buồn thương càng sống với dĩ vãng, tâm chúng ta càng rối bời xao xuyến, mắt mở mà vẫn chiêm bao. Có lẽ vì thế mà thư tổ Thiền Tông đã khuyên chúng ta: 

“Việc qua rồi chẳng nhớ

Việc chưa đến chẳng lo

Chuyện hiện tại chẳng đem lòng vọng tưởng” chăng? Có nghĩa là nếu chưa có khả năng hóa giải phiềnnão, chúng ta phải ăn cháo lú mỗi ngày để tâm ta được thoát khỏi những nuối tiếc của dĩ vãng, những xao xuyến khi hoài vọng về tương lai. 

Hay nói cho rõ hơn, quá khứ hoặc tương lai có hay chăng là do những vọng niệm rối bời trong hiện tạichiêu vời đến mà thôi, cũng vì thế mà thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền đã bảo người đệ tử khi chú này xin lên đường đi tham học rằng: 

“Niệm khởi đừng tiếp tục bằng mười năm đi tham thiền học đạo” đó em! 

Bát Cháo Lú 

Năm xưa nghe kể chuyện

Cháo lú ở diêm Đài

Hồn ma nào cũng phải

Cạn chén mới đầu thai 

Tôi nghe lòng tự nhủ

Nhất định sẽ một lần

Không thèm ăn cháo lú

Để được nhớ tiền thân 

Ba mươi năm xuôi ngược

Mang thân xác con người

Bao nhiêu lần tôi ước

Bát cháo lú, trời ơi! 

Lần ni xuống âm phủ

Nhất định vét sạch nồi

Để được quên tuốt luốt

Như một dòng nước xuôi… 
 
 

    19- Hai Thằng Đệ Tử 

Xưa, có một thầy đồ già không có con cái thân quyến, chỉ có hai chú đệ tử nhỏ mà ông thương yêu như ruột thịt. 

Hai chú bé chưa được dạy dỗ nên người thì cụ Đồ lâm bệnh nặng, phải nằm liệt giường. Hai chú đệ tử tuy xung khắc, chẳng ưa nhau nhưng đều kính yêu thầy, lúc nào cũng túc trực bên giường bệnh. 

Bệnh cụ đồ ngày càng một nặng, đôi chân cứng đờ, nhức nhối khôn tả, cụ phải nhờ hai chú nhỏ đấm bóp suốt ngày đêm. Trò Tý săn sóc chân mặt, còn trò Tèo thì săn sóc chân trái của thầy. 

Kề cận bên nhau cùng lo một việc nhưng hai chú bé lúc nào cũng hiềm khích, ghét bỏ nhau. Một hôm Tý được cụ đồ sai đi chợ. Tèo ở nhà hầu thầy. Thừa dịp Tý di vắng, Tèo ở nhà dùng búa đập gãy chiếc chân mặt, nghĩ bụng rằng: “Để cho thằng Tý về thấy cái chân của nó săn sóc bị gãy sẽ tức bể bụng cho mà coi!” 

Tèo đoán không lầm, Tý về thấy cớ sự giận vô kể. Có lẽ sợ để cơn giận sục sôi làm bể bụng, Tý dùng búa nện gãy luôn chiếc chân trái của cụ Đồ. Kết cuộc là cả Tý lẫn Tèo đều hả dạ, duy có cụ Đồ là gãy hết hai chân. 

Em thân mến!

Câu chuyện trên đây được phóng tác theo một đoạn trong kinh Bách Dụ… 

Đọc xong, ai cũng tức giùm cho ông Đồ vì lỡ có hai thằng đệ tử ngu ơi là ngu! 

Nhưng coi chừng, ông Đồ là dụ cho đức Phật, hai thằng Cu nọ chính… không ai xa lạ… chính là tôi và em đấy. Phật pháp có vô lượng pháp môn để tùy cơ đáp ứng với chúng sanh, nếu chỉ khuôn theo sở thích, định kiến của riêng mình mà tôi hay em, tận lực đã kích, đập cho bằng… gãy pháp môn tu của người khác… thì chúng ta chính là hai thằng cu trên đây. Có lẽ vì thế mà trong bốn hoằng thệ nguyện của chúng ta là: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” đó em! 
 
 

    20- Ô Sào Thiền Sư 

Ô Sào là một cao tăng Trung Hoa vào đời Đường. Khi bà mẹ hạ sinh sư, bà không ưng ý lắm nên đem bỏ con vào một chiếc tổ quạ trên cội đại thọ trước hiên chùa rồi lẫn mất. Sư xuất gia từ đó… và người ta gọi sư là thầy Ô Sào (ô: quạ, sào: tổ) 

Tuổi ấu thơ và tráng niên của sư trôi qua bình thản trong bóng mát của các tòng lâm cổ kính. Sư thường hành thiền trên quê hương của mình, tức là nơi cháng ba có đặt tổ quạ ngày xưa mà theo năm tháng, cội cây đã to và rộng đầy đủ cành nhánh có thể cho sư đặt một chiếc tọa cụ trên ấy. Cho đến khi ngộ đạo và hành đạo, thiền sư vẫn không rời “quê mẹ.” 

Một hôm quan thị lang Bạch Cư Dị, một thi hào lừng danh đương thời, đi dạo ngang cổng chùa trông thấy nhà sư đang ngồi vắt vẻo trên tàng cây, vốn không ưa hạng người “lánh nợ đời” như thế, ông cau mày hỏi: 

- Bộ hết chỗ rồi hay sao mà thầy lựa chỗ hiểm nghèo như thế để ngồi? 

Thiền sư bình thản đáp: 

- Chỗ của tôi xem ra còn vững vàng hơn chỗ của quan lớn đang an tọa nhiều…. 

Quan thị lang nhìn lại chiếc kiệu của mình đang ngồi, ngạc nhiên: 

- Chỗ tôi đang ngồi có gì đáng ngại đâu?

- Thưa, chỗ của đại quan là dưới vua trên các quan và trăm họ, vua thương thì quần thần ghét, được lòng dân thì mất lòng vua… Tính mạng của đại quan cùng thân quyến đều lệ thuộc vào lòng yêu ghét của vua, sự tật đố tỵ hiềm của bạn bè. Một chiếc ghế được kê trên đầu lưỡi của thiên hạ thì làm sao bì được với sự cứng nhắc của cội cây này được… Có phải thế không? 

Bạch Cư Dị nghe nhà sư nói, chỉ im lặng cúi đầu. Giây lâu, vị quan lão thành mới cất tiếng hỏì: 

- Thầy có thể cho tôi biết thế nào là đại ý của Phật pháp chăng? 

Thiền sư đáp liền:

- Không gì dễ bằng câu hỏi này. Đại quan hãy nghe tôi trả lời đây, đó là: 

“Chư ác mạn tác

Chúng thiện phụng hành

Tự tịnh kỳ ý

Thị chư Phật giáo.” 
 
 

Nghĩa là: 
 
 

Các điều ác chớ làm

Các điều lành vâng giữ

Tự thanh lọc ý mình

Đó là lời Phật dạy. 

Bạch Cư Dị nghe xong bảo:

- Những lời thầy vừa đáp con nít lên ba cũng nói được. 

Thiền sư mỉm cười:

- Thưa đại quan, con nít lên ba nói được nhưng ông lão 60 chưa chắc làm xong… Ngài có thấy như thế không? 

Bạch Cư Dị lại im lặng cúi đầu.

Ông bắt đầu học đạo với thiền sư Ô Sào từ đó. Người ta kể rằng, dưới sự dẫn dắt của thiền sư “Tổ quạ” không bao lâu vị đại quan này “hoát nhiên đại ngộ.” Chuyện kể chỉ có thế, còn việc ổng đại ngộ cái gì chúng ta đành chịu vậy. 

Câu chuyện này xin phép khép lại nơi đây, xin thân ái chào tất cả những người em áo vải của tôi. 
 

bottom of page