Lợi dưỡng
Xưa kia, Hòa Thượng Đại Giác Liễn trụ trì chùa Dục Vương, nhân có hai vị tăng tranh nhau về lợi dưỡng, Ngài nêu gương người xưa ra để xử. Lợi dưỡng vốn do Phật tử cúng dường, vậy mà tăng nhân lại tranh hơn thua nhau. Tranh đến nỗi những vị có trách nhiệm như chủ sự trong viện can không được. Khi ấy, ngài Đại Giác Liễn mới dẫn chuyện thời Tống, Bao Công xử án ở vùng Khai Phong rất nghiêm minh. Có một người tên là Trương Huệ Minh tới trình bày sự việc cha ông ta gởi bạc cho Lý Cảnh Văn, nhưng không để lại di chúc nói về việc này, nên ông ta không nhận lại. Bao Công nghe xong hết sức ngạc nhiên, cả trăm lạng bạc chứ đâu phải ít, vậy mà Trương Huệ Minh và Lý Cảnh Văn nhất định không nhận. Hai người cứ nhường nhau, không ai dám nhận hết. Cuối cùng nhà quan quyết định đem cúng chùa, để hồi hướng công đức cho người đã quá cố. Thật là hay biết bao!
Ngài Đại Giác Liễn bảo người đời mà còn như vậy, không màng lợi lộc, gìn giữ tiết nghĩa, huống là những vị tu hành như các ông mà còn ham lợi, tranh giành với nhau, can gián hoài không chịu nghe. Bấy giờ Ngài đem thanh quy ra, mời cả hai vị tăng ra khỏi chùa.
Câu chuyện này giúp ích cho chúng ta nhiều lắm. Tuy là người đời mà tốt như vậy, đối với lợi dưỡng không chính đáng quyết không nhận lấy, vì đó là của phi nghĩa. Huống là người tu, phát nguyện xả bỏ tài sản vật chất thế gian, thế mà bây giờ lại vướng vào cái bã lợi dưỡng như vậy hay sao? Ngài Đại Giác Liễn nêu lên câu chuyện trên, rồi dựa vào thanh quy mời hai vị tăng ra khỏi thiền viện, như thế để làm gương cho tăng chúng. Bởi vì hồi xưa mỗi thiền viện năm bảy trăm người, có nơi cả nghìn người chớ không phải ít. Nếu chư tăng trong đó tranh nhau, không can ngăn được thì thôi loạn hết, vị thầy làm sao lãnh đạo hàng trăm hàng nghìn người. Vì vậy Hòa thượng tuyên bố dứt khoát, các vị tu hành mà không bằng người thế tục thì mời ra khỏi viện. Nghiêm minh như vậy.
Nói chuyện này tôi lại nhớ chuyện khác. Ở Trung Hoa khoảng đời nhà Tống, có một thiền sư đức hạnh nổi tiếng khắp tùng lâm, rất được các nơi mến mộ. Một hôm, trong viện có việc tranh chấp giữa hai thầy tri sự. Hai vị cứ cãi hoài, cuối cùng dẫn nhau đến Hòa thượng. Ngài dùng hết lý lẽ giảng hòa, nhưng thầy nào cũng nhất định ý của mình là đúng. Cuối cùng, Hòa thượng bất lực, nói: “Chủ tòa như tôi đây thiếu đức cho nên đệ tử loạn. Thôi bây giờ ta đi, các ngươi làm gì đó thì làm”. Nói xong Ngài tắm rửa sạch sẽ, từ giã đại chúng và nhập Niết-bàn giờ, chúng ta chưa nhập được Niết-bàn như vậy nên phải dạy, phải nói hết lời. Nói hết lời mà đệ tử không nghe thì khổ lắm. Thành ra bây giờ, đệ tử mới vào chùa còn nhỏ, quí vị dạy từ từ đi, để lúc nó lớn mọc nanh mọc sừng cãi bướng cãi bừa mệt lắm. Thật ra làm thầy khổ lắm. Muốn làm thầy một người hoặc một số người, trước tiên phải tự thanh lọc mình trở thành người tốt đẹp. Sau đó, mới có thể dẫn dắt chỉ bảo người sau. Ngày nay, chúng ta nhờ những tấm gương đạo đức, những kinh nghiệm của các bậc thầy để lại, từ đó mình noi theo lo tu, trước là để làm chủ bản thân, sau giáo hóa chúng nhân. Nhất định chúng ta phải tu tới nơi tới chốn, đó là tâm nguyện chung của những người con Phật. Muốn tu tới nơi tới chốn thì phải có sự chuẩn bị, có kinh nghiệm, có sự học hỏi chính chắn. Như vậy đường đi nước bước của chúng ta sẽ vững vàng, kết quả tu tập sẽ chắc chắn.
Nam Mô A Di Đà Phật.