top of page

Siêng niệm Phật

Tổ sư Ấn Quang có khuyên người xuất gia, nếu có nhớ đến Ngài xin hãy tha thiết dụng công niệm Phật. Nếu quý vị niệm Phật cho tốt, tương lai nhất định cũng có năng lực như pháp sư. Nếu quý vị không tu trì phúc đức, lại muốn nghiên cứu kinh điển, học làm pháp sư. Vì làm pháp sư thân tòa uy phong, ai mà chẳng thích. Xong việc đó, quý vị có làm được hay không? Nếu trong quá khứ, quý vị không trồng nhân đó, không có năng khiếu và năng lực, nhân duyên không đầy đủ thì cũng không nên luống phí tâm lực, hoang phí thời gian làm gì, mà cần phải chí tâm niệm Phật, lạy Phật. Vì lễ Phật một lễ tội diệt hà sa; niệm Phật một câu phúc tăng lượng. Quý vị cứ như vậy, mà dụng công tám năm, mười năm sau, muốn làm pháp sư cũng chưa muộn. Thật ra không cần học, tự nhiên quý vị cũng có thể giảng kinh thuyết pháp được, cũng có thể độ chúng sinh được. Vì thế, quý vị cần phải theo thứ lớp mà học tập. Giống như ban đầu vào chùa làm tiểu sa di. Năm năm đầu phải tinh chuyên giới luật, năm năm sau mới nghe pháp, tham thiền, học đạo, niệm Phật. Có như thế, nghiệp chướng mới tiêu trừ, về sau thành tựu mới lớn. Nếu không học căn bản, cứ học những điều cao xa, làm sao thành tựu được. Hy vọng chư vị học giả sơ phát tâm phải như vậy, không nên hy vọng cao xa mà phải lão thật dụng công mới là tốt.

Tổ sư Ấn Quang sở dĩ khăng khăng không nhận đệ tử xuất gia cũng vì nguyên nhân đó. Ngài e ngại rằng nếu nhận người xuất gia thì họ sẽ học đòi làm pháp sư, sợ họ không đủ giới đức tu hành, luống thọ của đàn na tín thí ắt hẳn sẽ bị đọa lạc.

Hiện tại, đa số người xuất gia đều như vậy; cứ vào chùa cạo đầu chỉ biết lo thụ hưởng, không nghĩ đến bổn phận cao quý của người xuất gia, chỉ tu tập cho qua ngày đoạn tháng chứ không bao giờ nghĩ đến việc giải quyết sanh tử, cứu độ chúng sanh. Thậm chí còn làm mất chánh kiến cho hàng Phật tử tại gia, làm cho đạo pháp ngày càng đi vào con đường suy đồi. Thảo nào, cổ đức có nói: “Người xếp hàng trước cửa địa ngục nhiều nhất là tăng đạo”. Ngày nay, những người làm sư phụ đều như vậy, bản thân không có thân giáo lại nhận đệ tử. Tự mình không có gì để làm nơi nương tựa tu tập, không có kinh nghiệm làm sao dạy đạo hạnh công phu cho hàng đệ tử. Từ chỗ thầy không tốt cho nên dẫn đến đệ tử làm sao tốt được. Nếu quý vị có thể noi theo gương Hòa Thượng Quảng Khâm mà học tập thì tốt nhất. Học Hòa Thượng cái gì? Học cái khổ hạnh của Ngài. Mấy mươi năm tu tập trên núi, không thọ nhận của đàn na đã đành, thế nhưng sau khi trở về thế gian, được thí chủ cúng dường, Ngài không bao giờ có tâm tham trước. Ngài ăn mặc rất đạm bạc, thô sơ, giản dị. Bao nhiêu của ngon ngọt của đàn na cúng dường cho Ngài, Ngài đều chia cho đại chúng đều lo cho Phật sự. Vì thế, quý vị muốn học đạo cho tốt, hãy nên lấy Ngài làm tấm gương. Nếu quý vị không học, không khổ công tu hành, lại vọng tưởng làm cái này cái nọ, thật chẳng khác nào bỏ gốc mà theo ngọn. Giống như người nông dân, không có cày bừa, không cần cù siêng năng mà lại muốn lúa khai hoa kết nhụy. Vì thế, kính thỉnh chư vị sơ phát tâm phải khổ luyện cho vững chắc; có khổ luyện mới có thành tựu lớn. Như vậy, mới không phụ công lao nhọc học tập của chính mình.

Hòa Thượng Quảng Khâm không bao giờ thuyết pháp giảng kinh, thế nhưng Ngài lại là một đại pháp sư. Mọi người thấy Ngài đều quy kính, lễ lạy. Ngài không có học vị tiến sĩ, thạc sĩ hay bác sĩ, thế nhưng thành phần đệ tử quy y với Ngài đều là những hạng người đó. Chúng ta thử xem, Hòa Thượng Quảng Khâm không có giảng kinh mà đã có thể độ nghìn vạn người. Thà huống gì Ngài thuyết pháp giảng kinh sẽ độ biết bao nhiêu người. Hòa Thượng dựa vào cái gì? Ngài dựa vào công đức trì giới trang nghiêm, dựa vào công phu thiền định tịch tịnh, dựa vào công phu niệm Phật. Chư vị nên biết, Hòa Thượng không phải là không giảng kinh được. Xong, chỉ vì Ngài không lấy đó làm nhu yếu. Ngài chỉ lấy giới đức trang nghiêm, lấy công phu chân thật là đã đủ độ người rồi. Cho nên, thân giáo bao giờ cũng quan trọng hơn khẩu giáo. Vì vậy, tại sao chúng ta không thể noi theo học tập gương của Hòa Thượng được. Chỉ vì chúng ta quá lười biếng. Các vị có thấy người nào lười biếng mà đạo nghiệp, hay học vấn thành tựu không. Chỉ có tinh tấn niệm Phật mới có thể thành tựu vãng sinh Tịnh độ được. Hãy nhớ kỹ nhớ kỹ.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page