Đời người vốn là mộng huyễn
Kinh Kim Cang thuyết: “Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn, như bong bóng nước, như sương mai, như điện chớp, phải nên quán sát như thế”.
Tại sao tất cả pháp hữu vi trên thế gian, đều như mộng huyễn không thật. Lấy một ví dụ để hiểu rõ ràng, như trong một tuồng kịch cải lương, khi đánh trống khởi nhạc lên, các nghệ sĩ nam nữ, già trẻ y theo vai tuồng của mình mà lên sân khấu diễn xuất. Trong khi diễn xuất có bao tình tiết, vui buồn, nóng giận, ghen ghét… Có người đóng vai làm hoàng đế oai phong lẫm liệt, nhưng khi xuống sân khấu thì trở lại làm người dân bình thường. Khi lên sân khấu thì diễn xuất bao cảnh giết người, phạm pháp hung ác, cùng bao cảnh tượng kinh hoàng khủng khiếp hay ưu sầu buồn bã. Tuy nhiên, khi xuống sân khấu thì cười bảo ‘chỉ đóng tuồng thôi’. Phải nên hiểu rõ vì sao có khổ đau sung sướng. Khi diễn tuồng thì những tình tiết trên khấu trông giống như thật nhưng lúc hạ màn thì chẳng có một tình tiết nào là thật cả. Chúng sinh cũng như thế, lúc chưa cắt đứt hết phiền não thì vinh hoa phú quý, vui buồn giận tức, xuất hiện rõ ràng. Ai ai cũng vốn là Phật, giống như người đóng kịch. Lúc lưu chuyển theo phiền não cũng giống như đang đóng tuồng trên sân khấu. Phải nên hiểu rõ cảnh tượng thế gian giống như kịch trường sân khấu.
Được lên tận thiên đường chưa phải là vui, bị đọa xuống địa ngục chẳng phải là khổ. Người nam vốn chẳng phải là nam. Người nữ vốn chẳng phải nữ. Phật tính đồng một thể. Người thế gian không biết, trong mộng tự phân biệt rằng đây là mình, đây là người, đây là thân, đây là oán nên mê muội không ngừng nghỉ. Người xuất gia, tuy xả bỏ thân bằng quyến thuộc nhưng vẫn phân biệt chấp trước mê muội rằng: đây là chùa viện, đây là thầy, đây là đệ tử, là pháp hữu và là bạn thân của tôi. Bỏ vọng xoay về chân, tự lợi chính mình và làm lợi ích cho người. Người tại gia bị ái dục thế tình làm mê mờ. Người xuất gia cũng bị pháp hữu và pháp quyến thuộc làm mê hoặc. Những người như thế vẫn chưa đắc được giác ngộ chân thật. Nếu cố gắng thoát ly hết tất cả mê hoặc, bỏ vọng xoay về chân thì mới thành Phật. Do đó, Lục Tổ Đại Sư khi nghe đến đoạn “Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang liền đột nhiên đốn ngộ. Tám chữ này, nếu dùng ngôn từ để giải thích thì không thể được mà chính nội tâm phải lãnh hội. Chân lý Phật giáo tuy không thể dùng ngôn ngữ để biểu thị nhưng nếu phế bỏ hoàn toàn thì không thể được. Phải y theo văn tự mới có thể hiểu rõ nghĩa lý.
Ngày nay, người học Phật phải nghiên cứu tất cả các giáo lý nhưng vẫn lấy sự hành trì công phu làm căn bản, rồi hoằng dương Phật pháp, khiến ngọn đuốc chánh pháp mãi mãi lan truyền.
Trong Kinh Lăng Nghiêm có nói: “Tương thử thâm tâm phụng trần sát, thị tắc danh vi báo Phật ân”. Tức là dùng thâm tâm này, tâm chân thật này để phụng sự chúng sinh như số cát vi trần. Đấy mới gọi là báo ân chư Phật. Hy vọng tất cả người học Phật nên lấy hai câu này làm tiêu chuẩn cho việc tự lợi và lợi người.
Nam Mô A Di Đà Phật.