Niềm tin của người niệm Phật
HÒA THƯỢNG ĐẠI HẠNH BẢO NGƯỜI NIỆM PHẬT
Tâm chỉ tin Phật, Phật liền biết vì Phật được tha tâm thông. Miệng chỉ niệm Phật, Phật liền nghe vì Phật được thiên nhĩ thông. Thân chỉ kính Phật, Phật liền thấy vì Phật được thiên nhãn thông. Đây là chỗ khuyến phát lòng tin niệm Phật. Lòng tin cũng như việc trồng cây, rễ cây trồng sâu nên gió thổi không lay động. Về sau, cây sẽ đơm bông kết trái giúp người qua cơn đói khát. Người niệm Phật cũng như thế, do tin sâu mà được đến Tây Phương, thành tựu đạo giác ngộ chân chính, cứu giúp mọi điều nguy nan cho tất cả chúng sinh. Vì thế nếu không có lòng tin thì chẳng thành tựu được gì.
Trong kinh nói: “Bồ Tát thập trụ vừa khởi lòng tin niệm Phật, về sau dù gặp ác duyên mất thân mệnh, thà chết chứ không thối thất niềm tin”.
Kinh Duy Ma cũng nói: “Tin sâu vững chắc giống như kim cương, Pháp bảo soi khắp cả giống như mưa cam lộ”.
Thế nên người niệm Phật cần phải tin sâu nguyện thiết, cầu mong được vãng sinh về cảnh giới thanh lương của Đức Phật A Di Đà. Trong kinh còn nói có bốn cách tu hành, bốn cách ấy đó là:
Thứ nhất: Tu lâu dài, nghĩa là từ khi mới phát tâm niệm Phật cho đến lúc được vãng sanh thành Phật hoàn toàn không thối chuyển.
Thứ hai: Tu thành kính, nghĩa là thường hướng về phương Tây chuyên trì danh hiệu không thay đổi.
Thứ ba: Tu không gián đoạn, nghĩa là chỉ chuyên niệm Phật, không xen lẫn những việc lành khác như tụng kinh, trì chú, tham thiền làm gián đoạn, cũng không bị gián đoạn bởi các phiền não tham sân và các việc ác xen lẫn.
Thứ tư: Tu chuyên nhất, nghĩa là không đem những điều lành khác xen lẫn làm cho gián đoạn. Tại sao? Vì tu tập những điều lành khác xen lẫn nhiều kiếp mới thành tựu, bởi chỉ do tự lực. Chỉ chuyên một lòng niệm Phật, từ một ngày cho đến bảy ngày liền vãng sanh Tịnh Độ, ở vào bậc bất thối chuyển, mau chóng thành tựu đạo giác ngộ vô thượng. Do nương sức bản nguyện của Phật A Di Đà được nhanh chóng thành tựu nên gọi là tu chuyên nhất.
Vả lại theo Kinh Quán Vô Lượng Thọ: Người siêng năng niệm Phật sẽ được thượng phẩm thượng sinh. Kinh nói: Nếu có chúng sinh nguyện sinh về cõi nước kia, phát ba thứ tâm thì được vãng sinh. Ba thứ tâm ấy là:
Thứ nhất: Tâm chí thành.
Thứ hai: Tâm sâu xa.
Thứ ba: Tâm phát nguyện hồi hướng.
Người có đủ ba thứ tâm này chắc chắn sẽ được vãng sanh Tịnh Độ.
Nam Mô A Di Đà Phật.