Cách nào dễ dàng nhất để có thể "Nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”?
Q: Cách nào dễ dàng nhất để có thể "Nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”?
A: Niệm Phật thì đừng nên dùng pháp quán tâm mà hãy dùng pháp nhiếp tâm. Trong kinh Lăng Nghiêm, Bồ Tát Ðại Thế Chí dạy: "Nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc tam ma địa; ấy là bậc nhất”.
Lúc niệm Phật, cái niệm trong tâm (ý căn) cần phải rõ ràng, phân minh, câu niệm nơi miệng (thiệt căn) phải phân minh, rõ ràng; tai (nhĩ căn) phải nghe sao cho rõ ràng, phân minh. Ba căn: tai, miệng, ý, căn nào cũng dốc hết vào câu Phật hiệu thì mắt chẳng thể lườm Ðông, nguýt Tây, mũi chẳng thể ngửi các mùi hương khác, thân chẳng thể lười biếng, giải đãi. Ðấy là "nhiếp cả sáu căn”.
Nhiếp cả sáu căn thì dù chưa thể hoàn toàn hết vọng niệm nhưng so với kẻ chẳng nhiếp sáu căn thì tâm thanh tịnh hơn rất nhiều. Vì thế gọi là "tịnh niệm”. Nếu có thể giữ cho tịnh niệm thường liên tục, chẳng có lúc gián đoạn thì tâm sẽ tự có thể quy về một chỗ, cạn thì đắc Nhất Tâm, sâu thì đắc tam muội.
Nếu thật có thể nhiếp cả sáu căn mà niệm thì nghiệp chướng quyết định tiêu trừ, căn lành tăng trưởng, chẳng cần phải quán tâm mà tâm tự thanh tịnh, minh bạch, đâu lại đến nỗi mắc phải căn bịnh tâm hỏa nóng nảy?
Quán tâm là cách tu quán căn bản của bên Giáo, chẳng thích hợp với căn cơ người niệm Phật. "Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” mới là pháp thâm diệu thích hợp với hết thảy các căn cơ: thượng, trung, hạ, hoặc thánh hoặc phàm.
Cần phải biết là việc "nhiếp trọn” đó chuyên chú nơi cái nghe, tức là niệm thầm trong tâm cũng phải nghe vì trong tâm khởi niệm là đã có thanh tướng. Tự tai mình nghe tiếng của chính tâm mình, nhưng phải sao cho rành rẽ, rõ ràng, sao cho thật sự nghe được từng chữ, từng câu rõ ràng thì lục căn mới quy về một chỗ. So với tu những các pháp quán khác thì cách tu này ổn thỏa, thích đáng nhất, ít tốn sức nhất nhưng lại khế lý, khế cơ nhất