Việc lớn sanh tử
THIỀN SƯ PHẬT ẤN LIỄU NGUYÊN KHAI THỊ THỊ GIẢ TỰ HẢI VĂN
Phật Tổ thuở xưa thống thiết vì việc lớn sanh tử chưa giải quyết xong, nhiều kiếp ở trong biển bồ đề huân tập sâu dày, luyện kỹ chẳng phí phút giây cho đến ở trong pháp bồ đề bỏ trăm ngàn muôn ức thân mạng, xem phú quý ân ái chẳng khác nào bụi bay qua mắt. Một niệm chăm chăm nơi lòng, quên lạnh quên nóng, bỏ ngủ bỏ ăn, chẳng đến chỗ đại phát minh, chỗ hoàn toàn thôi nghỉ thì chẳng thôi. Đủ thế tài như thế, mỗi mỗi thấu đỉnh thấu đáy, đầu đuôi xâu suốt với nhau. Sau đó đem chỗ sở đắc đưa vào lò rèn trui đi luyện lại để cho mảy trần sạch hết, trắng trẻo thanh khiết, ở trên bờ sanh tử niết bàn dạo chơi tự tại, đây là người đạt được tâm bát nhã, thi đậu trường tuyển Phật về. Đâu có giống như người thời nay, gót chân cạn cợt chẳng chịu tử tâm tử chí hướng vào chỗ chân thật, đứng vững gót chân để cầu chân thật giải thoát, chỉ quý ở trên sách vở ghi nhớ, bên miệng nói tai nghe, nhiễm thành thói quen chỉ muốn hiểu thiền, hiểu tịnh là xong. Trái lại, chẳng biết việc lớn sanh tử ở dưới gót chân vẫn y như cũ đen như dầu hắc, chẳng những vô ích mà còn hại nữa.
Hạ thủ công phu cần phải phát khởi niềm tin kiên cố. Từ một niệm đầu tiên tin vững chắc, như vậy ba mươi năm vĩnh viễn chẳng sanh niệm thứ hai. Càng tham cứu càng bền lòng, niệm chẳng được càng thêm tinh tiến, càng hạ thủ chẳng được càng thêm dũng mãnh. Nếu ở chỗ hạ thủ chẳng được, chợt sanh một niệm nghi hoặc vọng kiến khởi các thứ tình giải hoặc phàm hoặc thánh... đều rơi vào hầm sanh tử.
Cũng chẳng nên nói là vì căn khí chậm lụt, chẳng nên nói nghiệp chướng nặng, chẳng nên nói thời tiết muộn, chẳng nên nói chẳng gặp thiện tri thức. Đại ý chỉ vì một cái chánh niệm vì sanh tử của các ông chẳng chân chẳng thiết. Tâm nầy nếu chân thiết, nói gì ba mươi năm, mà ba mươi đời cũng không sợ hãi, cứ mật thiết hướng tới trước mà tu. Cổ nhân nói: “Cần câu gãy hết trồng trúc khác, Chẳng tính công trình được mới thôi”.
Người học đạo chân chính cần phải biết như thế.
Nam Mô A Di Đà Phật.