top of page

THAM THIỀN PHỔ THUYẾT

 Thiền Sư Lai Quả

THANH QUY

Người tham thiền cần nhất phải giữ thanh quy mới có thể tham thiền.

Thanh quy là mô phạm công chánh thanh nghiêm. Công hay trừ được những điều tồi tệ riêng tư, chánh hay trừ được cấu nhiễm tà vạy. Thanh hay trừ được cấu bẩn nhơ uế, nghiêm hay trừ được thói quen biếng nhác. Cho nên dùng thanh quy để kiến lập Tòng Lâm, dùng thanh quy để sửa trị nhân cách, dùng thanh quy để lợi ích nhân thế, dùng thanh quy để thành Phật Tổ.

Quy củ chẳng thanh nghiêm thì con người theo đó mà biếng nhác. Quy củ chẳng công chánh thì con người dễ thành ra tệ lậu. Thế nên biết, công chánh thanh nghiêm là gốc của Tòng Lâm. Làm nền của Phật Tổ, làm con đường cho người tham thiền, làm con thuyền của biển khổ, người giữ được thanh quy thì thân chịu được khổ, tâm chịu được nhọc. Thà chết với thanh quy chứ không sống với uế trược. Chúng ta vốn rất mờ tối, theo nghiệp lôi cuốn thì cảm thấy thích ý. Có chút bó buộc của quy củ thì thấy khó chịu. Như thế có nên chăng?

Người trụ Tòng Lâm: Phải biết giữ quy củ là trừ tập khí ác cho mình, là cắt bỏ nghiệp chướng cho mình, cho nên phải giữ cho nghiêm chặt không nên sao lãng. Quy củ là khuôn pháp làm cho người ta trở thành người tốt. Thế nên biết, người muốn giữ thanh quy mà nghiệp chướng không chịu giữ thanh quy.

Thường thường người ta nói: “Tôi rất khổ sở, tôi muốn giữ thanh quy để làm người tốt, mà nghiệp chướng không chịu. Ôi! Chẳng lẽ thành ra hai người. Lại nghĩ rằng: “Tôi muốn đông, nghiệp chướng muốn tây, tôi muốn ăn cơm, nghiệp chướng muốn uống trà. Như vậy, quả thực nghiệp chướng không làm chủ được. Mỗi ngày hãy hỏi kỹ lại tâm mình xem. Ta muốn xem kinh, liền xem kinh, ta muốn lạy Phật, liền lạy Phật, đâu có chút gì ngăn cản. Bảo ông giữ thanh quy, tại sao lại đổ thừa oan cho nghiệp chướng không cho giữ thanh quy. Nghiệp chướng nếu nói chuyện được, mà nghe ta nói do nghiệp chướng không làm chủ được thì nghiệp chướng sẽ kêu oan rằng: “Ông chủ đã làm oan ức nghiệp chướng của tôi rồi!”. Gặp việc chẳng làm, rõ ràng là tại ông không chịu làm, lại đổ thừa cho nghiệp chướng tôi không chịu làm. Đâu có lý nào nghiệp không làm chủ được. Người chủ nhân này tỉnh ngộ nói: “A! Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không, chưa liễu tình nguyện giữ quy củ”. Từ nay lập đại hạnh, phát đại nguyện thề tử thủ thanh quy quyết định chẳng theo nghiệp chướng chuyển. thật sự do ta chứ không dính líu gì đến nghiệp chướng cả.

bottom of page